Ngày 7/9, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề “Xây dựng một số chương tình nghiên cứu và phát triển sản phẩm khoa học công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học theo một số lĩnh vực ưu tiên trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.” Tọa đàm thu hút các nhà nghiên cứu, nhà quản lý của một số trường đại học có thế mạnh về nghiên cứu khoa học công nghệ trong cả nước.
Tọa đàm nhằm mục đích tham khảo ý kiến của các chuyên gia, các nhà quản lý các cơ sở giáo dục đại học về phương hướng phát triển sản phẩm nghiên cứu khoa học công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học. Những ý kiến góp ý tại tọa đàm sẽ là cơ sở để các đơn vị liên quan của Bộ GDĐT tham mưu tới các cấp lãnh đạo để ban hành các chính sách để thúc đẩy các chương trình đầu tư cho nghiên cứu sản phẩm khoa học, công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học. Nhất là, các chương trình nghiên cứu theo một số lĩnh vực ưu tiên trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ GDĐT) Trịnh Xuân Hiếu chủ trì Tọa đàm
Thông qua tọa đàm, các cơ sở giáo dục đại học cũng một lần nữa nhận thức sâu sắc hơn về cuộc cách mạng lần thứ 4 đang từng ngày, từng giờ tác động vào các lĩnh vực của đời sống, xã hội. Trong đó, có tác động mạnh mẽ đến quá trình hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học.
Ý kiến tham luận tại tọa đàm của các đại biểu đều khẳng định vai trò quan trọng của đầu tư cho các sản phẩm khoa học, công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học. Thực tế thời gian qua đã cho thấy, các cơ sở giáo dục đại học là nơi dẫn dắt, nghiên cứu và cho ra đời nhiều sản phẩm nghiên cứu về khoa học công nghệ mang tính ứng dụng cao. Cùng với việc nghiên cứu được nhiều sản chất lượng cao thì quá trình đầu tư cho nghiên cứu khoa học, công nghệ tại các cơ sở giáo dục đại học cũng mang lại lợi ích thiết thực cho giảng viên, sinh viên trong quá trình giảng dạy và học tập.
GS.TS Nguyễn Thanh Thủy, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Công nghệ thông tin cho rằng đầu tư cho khoa học công nghệ tạo ra các giá trị gia tăng trong quá trình đào tạo. Người thụ hưởng của các quá trình đầu tư này không chỉ là các thầy, các cô mà trực tiếp là các sinh viên.
GS.TS Phạm Hồng Quang, Giám đốc Đại học Thái Nguyên khẳng định, khoa học công nghệ là cốt lõi của các trường đại học, phát triển mạnh khoa học công nghệ trong trường đại học thì đạt mục tiêu kép. Thứ nhất, là nâng cao được chất lượng đào tạo. Thứ hai, là chuyển giao các sản phẩm nghiên cứu đến cộng đồng và thể hiện rõ vai trò dẫn dắt cho sự phát triển của các trường đại học.
Các đại biểu tham dự tọa đàm
Các ý kiến tham luận cũng chỉ ra rằng, đứng trước sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, các cơ sở giáo dục đại học cần nhìn nhận chính xác sự thay đổi của khoa học công nghệ để có kế hoạch, chiến lược đầu tư cho các sản phẩm nghiên cứu của mình. Nếu không có tầm nhìn về sứ mạng của các cơ sở giáo dục đại học, không có chiến lược đúng đắn cho phát triển nghiên cứu khoa học, công nghệ thì sẽ rất dễ dẫn đến việc đầu tư theo số đông và để lại hệ lụy lâu dài về chất lượng nguồn nhân lực.
Về các chính sách đã được ban hành để thúc đẩy quá trình nghiên cứu các sản phẩm nghiên cứu khoa học, công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học. Các đại biểu cho rằng Bộ GDĐT và các bộ, ngành liên quan đã tham mưu, ban hành nhiều văn bản và có những tác động tích cực. Tuy nhiên, để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quá trình này thì cần đẩy mạnh hợp tác trong nước và quốc tế để nghiên cứu nhu cầu thực tế của xã hội và đề xuất các nghiên cứu khoa học hướng đến phục vụ cộng đồng.
Các nhà khoa học phải được nhúng mình trong môi trường sáng tạo ở môi trường giáo dục đại học tập trung cho nghiên cứu ứng dụng, gắn chặt với thị trường lao động chất lượng cao đang phát triển mạnh mẽ ở nước ta. Cùng với đó, các cơ sở giáo dục đại học cũng cần phải có tư vấn chính sách phù hợp dựa trên sự nghiên cứu, khảo sát có chất lượng cao trên cơ sở ứng dụng công nghệ cao. Để làm sao các chính sách đề xuất phải có nền tảng khoa học thì mới phát triển bền vững.